TRANG THÔNG TIN


Hydroponics
Hướng đi mới của nông gia Việt Nam vùng Virginia


Tác giả: V.T
Thể loại: Phóng sự 

   Virginia, từ lâu được gọi là vùng đất nông nghiệp của người Việt Nam ở tiểu bang Nam Úc. Sau hơn ba thập niên qua, sự mầu mở của đất đã bị mất dần do việc thâm canh. Trước tình trạng đất đai cằn cổi, thu hoạch bị sụt giảm của mùa vụ, nông gia Việt Nam trong vùng đi tìm cho mình một phương pháp canh tác mới: Hydroponics , gọi theo từ ngữ Việt Nam là thủy canh.
Buổi sáng sớm của ngày cuối thu, gió hơi se lạnh, còn ướt đẩm sương đêm trên những ngọn cỏ ven đường, tôi lái xe đi thăm những nông trại Việt Nam nơi Virginia, làm phóng sự cho trang Web về nông nghiệp. Con đường chánh đến thị trấn đang thi công làm xa lộ phía Bắc ( Northern highway ), nên tôi phải lái xe vòng quanh, mất thêm mười mấy phút! Chừng hơn ba tháng qua, tôi không có dịp ghé qua vùng Virginia, hôm nay đến thăm những nông trại của người Việt Nam nơi đây tôi mới thấy ngở ngàng cho sự phát triển về lãnh vực canh tác theo phương pháp thủy canh.! Như theo thời biểu của chương trình, tôi đi thăm 3 nông trại của người Việt Nam đã thành công canh tác theo lối thủy canh. Đó là nông trại của các ông: Lý Minh Nghĩa, Lê Minh Tánh, Nguyễn Thanh Hiền...

1./ Nông trại của anh Lý Minh Nghĩa:
Nông trại của anh Nghĩa tọa lạc nơi Lot 7 trên đường Huxtable, vùng Virginia. Gia đình anh Nghĩa làm nghề nông từ ngày đến định cư ở tiểu bang Nam Úc, vào đầu thập niên 1980. Giai đoạn mới vào nghề, anh Nghĩa ngoài việc làm trong nông trại của gia đình, anh còn là nguời thợ xây cất nhà kính cho nông gia trong vùng, nông gia từ gốc di dân như: Việt, Ý, Miên, Hy Lạp... Được biết, công ty xây cất của anh đã xây dựng khoảng 40% số lượng nhà kính cho vùng Virginia. Anh Nghĩa hôm nay vắng nhà, nên tôi chuyện trò với đứa con trai của anh ấy: Lý Minh Hiếu.
- Được biết, gia đình của cháu thời gian qua đã thành công trong lãnh vực Hydroponics, xin phép cháu cho chú tham quan và cháu có thể cho biết sơ qua về kỹ thuật trồng trọt theo phương pháp hydroponics không?
Cháu Hiếu cười niềm nở, gật đầu:
- Được! Chú cứ tự nhiên..
Tôi đi theo sau cháu Hiếu vào bên trong khu vực có hai dãy nhà kính cất theo lối Do Thái: Cao ráo và có mái thông hơi... Một dãy trồng cà chua, dãy còn lại trồng capsicum. Cà chua và capsicum năm nay giá cả tương đối khá cao nên lợi tức thu nhập của gia đình rất khả quan. Với đôi mắt chuyên nghiệp, tôi nhìn những hàng cà chua trái sai và chín đầy trên cây, tôi hỏi đoán:
- Giá cà chua đắc như thế nầy, chắc ba cháu trở thành triệu phú.
- Đủ xài thôi chú ơi!
Rồi cháu Hiếu chỉ dãy nhà kính mới cất, cho biết:
- Chi phí xây cất dãy hydroponics đã hơn một triệu dollars! Không nhờ giá cao và sản lượng khá thì bao giờ mới lấy vốn lại được!
Nghe Hiếu nói, tôi thốt lên:
- Ồ!!! Vốn đầu tư quá cao thì làm sao những nông gia Việt Nam khác có khả năng tài chánh xây dựng được?
- Nếu muốn làm thì phải mạo hiểm vay ngân hàng chú ạ! Như gia đình cháu, khi mới vào nghề nông cũng phải vay mượn tiền ngân hàng...

Cà chua hydroponics
Capsicum   Hydroponics

Qua trò chuyện, cháu Hiếu cho biết thêm là gia đình của cháu bây giờ làm đại diện cho công ty cung cấp thiết bị về hydroponics như: Máy computer định lượng phân nước, hệ thống máng tháo nước, hệ thống phun hơi lạnh..v..v.. Cháu cũng cho tôi biết một tin đặc biệt là cuối năm nay, cháu được chính phủ Nam Úc tài trợ học bổng đi Mỹ và Hòa Lan để học một năm về kiến thức mới trên lãnh vực hydroponics.
Tôi bắt tay chào tạm biệt cháu Hiếu để đi thăm nông trại kế tiếp cho kịp giờ hôm nay: Nông trại của Nguyễn Thanh Hiền

2./ Nông trại của Nguyễn Thanh Hiền:
Nguyễn Thanh Hiền tuổi còn nhỏ nên tôi xưng hô bằng cậu với cháu cho phải cách xã giao. Thanh Hiền theo gia đình vượt biển đến đảo Bidong và được nhận định cư vào Úc giữa năm 1989. Trước khi vào nghề nông, gia đình Thanh Hiền làm nghề may gia công tại nhà hơn một năm, như vậy gia đình cháu Hiền bắt đầu vào nghề nông ở khoảng thời điểm giữa năm 1981. Bây giờ, gia đình của cháu có một nông trại khang trang ở Lot 7 đường Anjanto rd, vùng Waterloo corner, tiểu bang South Australia

..
  Cháu Huệ cười tươi vì trúng mùa ....................Packing, chuẩn bị gởi đi chợ

Tôi đến nông trại cháu Hiền vừa lúc cháu đang hái cà chua trồng theo phương pháp thủy canh. Tôi đến bắt tay xã giao với cháu, vào chuyện:
- Cháu có thể cho cậu vài phút để làm cuộc phỏng vấn về kỹ thuật trồng cà chua theo phương pháp thủy canh không?
Không do dự, cháu Hiền trả lời:
- Ok!
Và có lẽ cháu không hiểu từ ngữ thủy canh, nên chau mày hỏi tôi:
- Thủy canh là gì hả cậu?
- Nghĩa tiếng Việt của chữ hydroponics..
- À hả!
Tôi vào đề ngay:
- Nguyên do nào mà cháu chuyển hướng sang trồng hoa màu theo phương pháp hydroponics?
Cháu Hiền dẫn chứng những nguyên do:
- Vì đất trong nhà kính đã trải qua một thời gian canh tác quá lâu nên đất bị tăng độ mặn, mất mầu mở, bị bệnh bứu rể ( Nematodes )..v..v.
- Cháu chuyển sang trồng hydroponics được mấy vụ mùa rồi?
- Vụ đầu tiên.
- Bao nhiêu nhà kính cháu trồng mùa vụ nầy?
- Tổng cộng 35 nhà kính, chia làm 3 dãy. Hai dãy trồng cà chua ( Tomatoes ), một dãy trồng dưa dài ( continental cucumbers ).

Dưa dài trồng Hydroponics

Tôi đi theo sau cháu Hiền vào bên trong nhà kính của dãy trồng cà chua. Nhìn những hàng cà đang thu hoạch tôi hỏi:
- So sánh giữa hai năng suất: Trồng dưới đất và trồng theo dạng hydroponics, cháu nhận thấy thế nào?
Thanh Hiền suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Hẳn nhiên trồng theo dạng hydroponics thì thu hoạch cao hơn trồng dưới đất. Trồng hydroponics thì năng suất một cây cà chua có thể cho được từ 40 đến 45 chùm cà, mỗi chùm trung bình 4-5 trái...
- Như vậy, tuổi thọ của cây cà chua hydroponics cao hơn cây cà trồng dưới đất?
- Đúng vậy.
- Giá cả bán ra thị trường có được cao giá không?
- Đối với cà chua, thông thường thì cà chua trồng Hydroponics bán cao giá hơn cà chua trồng dưới đất. Còn họ dưa leo thì giá cả bán như nhau...
Nghe cháu Hiền cho biết sự chênh lệch giá bán của cà chua trồng hydroponics, tôi hỏi:
- Cháu có biết tại sao có sự khác biệt về giá bán không?
- Không biết chắc nguyên do! Nhưng theo nhận xét của cháu thì có thể bắt nguồn từ những yếu tố: Màu sắc, good size ( trái lớn )... Đặc biệt cà chua trồng Hydroponics phải điều chỉnh cho cà chín dưới dạng chùm, không phải chín từng trái như trồng dưới đất. Vì vậy, cà chua trồng hydroponics phải chọn theo giống cà chùm ( Trust tomatoes )
- Chất lượng cà chua hydroponics có khác biệt với cà trồng dưới đất không?
Câu hỏi của tôi hơi khó trả lời, cháu Hiền xoa đầu rồi nói:
- Nhận xét cá nhân của cháu thì vị cà hydroponics ngọt không bằng cà trồng dưới đất.
Thanh Hiền ngừng giây phút rồi nói ví dụ:
- Cháu lấy thí dụ dẫn chứng như: Gà nuôi công nghiệp thì thịt không ngon bằng gà nuôi tự nhiên...
- À!! Cháu rất có kinh nghiệm và chịu khó tìm hiểu...
Tôi nhìn nhà kính trồng hydroponics của cháu Hiền có chút khác biệt, đơn giản hơn, so với nhà kính của anh Nghĩa. Tôi thắc mắc:
- Hệ thống hydroponics của cháu đơn sơ hơn những nơi khác, như vậy có ảnh hưởng gì đến năng suất thu hoạch không?
Cháu Hiền cười rồi trả lời:
- Tại vì cháu tiết kiệm một phần tiền chi cho việc không cần thiết lắm, như: Hệ thống phun lạnh, hệ thống sưởi, hệ thống hái cà.v..v..Nói chung, cũng ảnh hưởng chút ít đến năng suất thu hoạch, nhưng điều đó cho mình học hỏi thêm kinh nghiệm...
- Cám ơn cháu đã dành cho cậu thời gian trò chuyện..
Thanh Hiền cười duyên dáng, nói một câu tiếng Anh:
- It’s my pleasure!

Phóng viên  V.T  thăm nông gia VN

Ghé thăm nông trại của cháu Thanh Hiền, tôi có nhận xét những điều thực tiển cho nông gia Việt Nam nói chung và vùng Virginia nói riêng: Sự thành công của nông gia Việt Nam trên lãnh vực nông nghiệp ắt hẳn bắt nguồn từ những đức tính cần cù, óc sáng tạo, khả năng ứng biến với hoàn cảnh...
Rời nông trại cháu Thanh Hiền lúc trời đã quá trưa! Tôi ghé qua deli mua một ổ bánh mì thịt Việt Nam ( Vietnamese meat roll ) và chai nước ngọt Coca. Dừng xe bên đường, tôi vừa ăn vừa ngắm cảnh. Gió lay động những cụm hoa vàng của cỏ me, báo hiệu cho mùa đông sắp đến trên vùng Virginia. Mùa đông nầy là mùa đông thứ 26 tôi làm người viễn xứ tha phương!

3./ Nông trại anh Lê Minh Tánh:
Tọa lạc trên đường Wooma, vùng Virginia. Anh Tánh là một trong những người nông gia Việt Nam có cơ sở thu mua hoa màu ở Virginia. Được biết anh vào nghề nông khoảng đầu năm 1987. Tôi quen thân với gia đình anh lúc tôi còn làm việc cho công ty hạt giống Lefroy Valley, vào đầu thập niên 1990. Vừa bước xuống xe, anh Tánh lên tiếng chào tôi rồi nói vui:
- Cơn gió nào đưa bạn già đến đây!
Tôi cười, trả lời:
- Lâu quá rồi không có dịp thăm anh, hôm nay nhân tiện làm phóng sự về Hydroponics, ghé qua anh để trao đổi vài kinh nghiệm về cách trồng trọt theo phương pháp thủy canh...
- OK! Vào văn phòng uống cafê trước, chuyện trao đổi kinh nghiệm sẽ bàn sau.
Qua chuyện trò, tôi biết được anh Tánh là một trong những người đầu tiên trồng dưa, cà theo phương pháp hydroponics. Tất cả sản phẩm từ nông trại của anh đều được gởi đi xuyên bang, phần lớn được bán trong khu chợ trái cây ở Melbourne. Anh Tánh cho tôi biết, anh có một quầy bán rau quả ở chợ Melbourne hơn chục năm nay. Nhìn những công nhân đang bận rộn đóng bao bì để chuẩn bị gởi đi xuyên bang, tôi hỏi:
- Khi thiếu hàng bán chợ, anh có mua thêm từ nhà vườn không?
- Có chứ! Trung bình tôi phải có khoảng 8-10 khách hàng cung cấp thường xuyên cho tôi..
Nghe anh Tánh nói, tôi tìm hiểu thêm:
- Những khách hàng cung cấp hoa màu cho anh, giá cả họ được anh trả như thế nào?
- Tôi trả theo giá chợ, nghĩa là giá do ủy ban định giá liệt kê mỗi sáng, trước khi khai chợ. Sau khi khấu trừ chi phí vận chuyển, hoa hồng của đại lý v..v.. Phần còn lại là trả cho nhà vườn ( Growers )..
- Theo như cách anh nói thì đại lý thu mua hoa màu có xác suất lỗ lã rất ít.?
Anh Tánh mỉm cười:
- Đó là qui luật của thương mại...
Nông trại của anh Tánh có tất cả năm mươi căn nhà kính, chia làm sáy dãy. Hiện tại đang thu hoạch mùa vụ với cà chua khía (flat tomatoes), dưa Lebanese (Lebanese cucumbers), dưa dài (continental cucumbers), cà chùm (trust tomaroes). Hầu hết nhà kính được cất theo dạng chế kiểu, không theo qui cách loại nhà kính hydroponics đúng tiêu chuẩn của Do Thái.
Điều mà tôi nhận xét về lợi tức thu hoạch nơi nông trại của anh Tánh được ưu điểm hơn về mặt giá cả, bởi vì không qua trung gian người mua. Chỉ ở điểm nầy thôi, anh Tánh đã dư ra một số tiền đủ để chi trả cho 3 người nhân công làm việc toàn thời suốt năm. Cho nên, người ta thường nói:
- Phi thương bất phú.
Thật đúng lắm thay!

Dưa Lebanese Hydrponics
Cà khía Hydroponics

** Lời kết:
Nhìn chung, sau ba mươi năm người Việt định cư trên khắp nước Úc, đã hội nhập nhanh chóng vào xã hội Úc và thành công trên mọi lãnh vực. Chỉ riêng vùng Virginia của tiểu bang Nam Úc, lãnh vực nông nghiệp đã là một bằng chứng cho thấy sự thành công của người nông gia Việt Nam. Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay hơn 95% nhà kính (Green houses) ở vùng Virginia thuộc về di dân gốc Việt.
Ghé qua thị trấn Virginia, đi trên con đường Old Port Wakefield, tôi cứ ngở rằng mình đang đi trên đường phố của một tỉnh lỵ nơi quê nhà. Những nhà hàng, tiệm cắt tóc, tiệm thực phẩm, đại lý thu mua hoa màu...với thương hiệu bằng chữ Việt đã nói lên tính bảo tồn văn hóa của người Việt Nam nơi đây. Từ những thương hiệu thân thương đó, dù lưu lạc nơi đâu, cũng luôn nhắc nhở rằng: Chúng ta là người Việt Nam...


V.T
Cuối Thu 2010